LÀM SAO ĐỂ CON HIỂU GIÁ TRỊ CỦA VIỆC HỌC?
Xã hội đang ngày càng phát triển đi lên thì nhu cầu tìm hiểu tri thức nhân loại ngày càng được mở rộng. Điều đó đòi hỏi con người phải không ngừng học hỏi để ngày càng phát triển bản thân. Tuy nhiên, trẻ nhỏ lại chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập. Vậy làm thế nào để con hiểu được giá trị của nó?
Học không chỉ để nâng cao thành tích của con ở trường lớp mà còn để làm giàu vốn kiến thức cho con, làm hành trang để sau này con bước vào cuộc đời. Đa số trẻ nhỏ ngày nay chưa có ý thức tự giác với việc học mà chỉ học vì bị ba mẹ bắt ép, học vì sợ thầy cô phạt. Các em coi việc học là một nghĩa vụ của mình chứ không thật sự hứng thú hay yêu thích việc học.
Trước hết, ba mẹ cần là người lắng nghe, chia sẻ cùng con, hỏi xem con có yêu thích việc học không, con thích học môn gì để động viên, khuyến khích. Tiếp đó, ba mẹ giải thích cho con tầm quan trọng của môn học khi con nói con không thích con môn học này hay môn học khác. Ba mẹ hãy làm sao cho bé thấy được sự thú vị trong môn học mà bé không thích, từ đó bé sẽ có cảm hứng với môn học hơn.
Ba mẹ cũng có thể ngồi học cùng con, hướng dẫn, gợi ý cho con những bài tập khó, hay cùng con tìm hiểu trước về bài học mới ngày hôm sau con sẽ được học, như vậy đến lớp con sẽ tiếp thu nhanh hơn khi đã nắm trước được thông tin về bài học đó.
.jpg)
Hãy hỏi con lớn lên thích làm gì, cùng chia sẻ cho con về tương lai, định hướng và truyền cảm hứng cho con ngay từ khi còn nhỏ. Nếu con không chăm chỉ học tập thì con không thể trở thành người mà con mong muốn về sau.
Ba mẹ không nên nhắc con học bài, hãy dạy con tự ý thức ngay từ đầu. Hãy dạy cho trẻ cách ước lượng thời gian thông qua những việc quen thuộc mà trẻ hứng thú như xem phim hoạt hình, ăn tối,... Ví dụ như đọc một bài thơ sẽ bằng thời gian ăn tối, làm những phép tính khó sẽ bằng thời gian chiếu của một bộ phim hoạt hình.
Chính ý thức về thời gian sẽ khiến trẻ biết linh động khi trải nghiệm các hoạt động của riêng mình. Đối với ba mẹ, nếu trẻ biết ý thức về thời gian, việc ba mẹ phải cắt ngang hoạt động của trẻ sẽ không còn diễn ra nữa.
Ba mẹ hãy tạo cho trẻ một không gian học tập riêng, yên tĩnh và trang trí thật đẹp mắt, dạy trẻ góc học tập luôn phải ngăn nắp, gọn gàng. Có như vậy trẻ mới thấy yêu thích góc học tập của mình và muốn ngồi ở đó thường xuyên. Hãy đảm bảo rằng trẻ có đầy đủ dụng cụ học tập cần thiết như bút mực, bút chì, tẩy, bút màu, thước kẻ, compa… và sách vở cho từng môn học.
Ngay từ những năm tháng mầm non, ba mẹ nên khuyến khích con giao lưu kết bạn, hòa đồng với các bạn. Khi được rèn luyện được điều đó từ sớm thì con sẽ không tự ti khi bước vào lớp 1, tâm lý của con sẽ bớt căng thẳng hơn. Từ đó, việc học cũng trở nên dễ dàng hơn.
Hi vọng những thông tin trên sẽ hữu ích đối với ba mẹ, để con có thể hiểu được tầm quan trọng của việc học và ba mẹ không phải lo lắng cho việc học hành của con.